Xe tăng T-14 Armata và "canh bạc" mạo hiểm ở Syria
Theo Sputnik, kể từ năm 2015, Quân đội Nga cũng đã thử nghiệm thành công hơn 200 hệ thống vũ khí mới ở Syria. Những thử nghiệm này cho phép Nga phát triển và nâng cấp nhiều hệ thống vũ khí mới cũng như trang bị hiện có.
Quân đội Nga khó có thể tìm được một môi trường thử nghiệm vũ khí nào tốt bằng Syria, bởi trong điều kiện chiến đấu thực tế khí tài trang bị sẽ bộc lộ toàn bộ ưu nhược điểm, điều các thao trường trong nước không làm được trọn vẹn.
Vì vậy, thước đo tiêu chuẩn đối với các hệ thống vũ khí mới của Nga là phải trải qua thực chiến ở Syria, xe tăng T-14 Armata tối tân vừa ra lò cũng không ngoại lệ.
T-14 Armata, chiếc xe tăng được trang bị các công nghệ tối tân nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Ảnh: GoodFon.
Một trong những bất ngờ lớn đối với giới quan sát quân sự gần đây là tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nga Denis Manturov khi ông xác nhận xe tăng T-14 Armata đã được đưa sang Syria để tham chiến.
Tuy nhiên, có một điều phải khẳng định là sự xuất hiện của T-14 sẽ không mang đến cho các lực lượng vũ trang Nga ở Syria bất cứ lợi thế nào về mặt quân sự, nhưng về lâu về dài đó là mũi tên trúng 2 đích.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao xe tăng T-14 Armata lại ra chiến trường tại thời điểm này?
Có chuyên gia nhận định rằng diễn biến trên chiến trường Syria hiện không còn quá nóng bởi Quân đội Syria đã "lật ngược thế cờ", giải phóng phần lớn diện tích lãnh thổ, đánh thiệt hại nặng các nhóm phiến quân và nhất là thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib giúp hạn chế tối đa rủi ro cho Armata trên thực địa.
Muốn đánh giá một chiếc xe tăng "tốt hay dở" thì không thể chỉ đi vài vòng trên cát mà phải xem cách nó hoạt động trên chiến trường, đối mặt với kẻ thù như thế nào. Một khi đã tham chiến, chắc chắn T-14 Armata sẽ trở thành mục tiêu bị săn đuổi của các nhóm phiến quân, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cả những ông lớn khác.
Trước đây, khi Nga bí mật mang tiêm kích tàng hình Su-57 đến Syria thử nghiệm nó được bảo vệ hết sức cẩn mật bởi nhiều lực lượng tại một khu vực sân bay rộng lớn, phiến quân gần như không thể "sờ mó".
Nhưng với T-14 Armata, mọi chuyện hoàn khác, nó phải đối mặt với những nguy cơ hiện hữu, buộc Quân đội Nga sẽ tìm mọi cách bảo vệ cho chiếc xe tăng "con cưng" của mình.
T-14 phải vượt qua được bài kiểm tra ở Syria mới có thể chứng minh được thực lực. Ảnh: National Interest.
Dĩ nhiên, Armata sẽ không "đơn thương độc mã" ra trận mà sẽ phối hợp và được bảo vệ bởi nhiều lực lượng tác chiến khác của cả Nga và Syria. Dù vậy, trên chiến trường rất khó nói trước được điều gì, chỉ cẩn một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến T-14 phải trả giá đắt.
Sẽ ra sao nếu trong quá trình thử nghiệm xe tăng T-14 Armata bị tên lửa chống tăng hay UAV của đối phương đánh trúng, hay thê thảm hơn là bị bắt sống?
Các tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế, bản thân người Nga đã được trải nghiệm điều này khi xe tăng T-90 bị phiến quân bắt sống hay T-72B3 bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ đánh tan nát.
Để tránh tình huống xấu nhất xảy ra, nhiều khả năng Quân đội Nga sẽ bố trí T-14 chiến đấu ở tuyến hai thay vì tuyến đầu như những chiếc xe tăng khác, đi kèm với đó là lực lượng phòng không cùng các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật. Trong tình huống Armata gặp trục trặc nó sẽ được "bế đi" khỏi chiến trường ngay lập tức.
Thông số kỹ thuật cơ bản của T-14 so với các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực của Mỹ (M1A2 Abrams) và Anh (Challenger 2).
Một khi đã ra chiến trường thì phải chấp nhận "đổ phiên dịch máu", nhưng dường như người Nga có phần hơi mạo hiểm khi đặt cược quá nhiều vào "canh bạc" này.
Vượt qua "cạm bẫy" ở Syria, T-14 mới có thể thành danh
Có thể thấy, quá trình thử nghiệm T-14 ở Syria sẽ không diễn ra dễ dàng bởi nguy hiểm luôn rình rập, không chỉ đến từ bên ngoài mà còn xuất phát từ các vấn đề nội tại của chiếc xe tăng này.
Như chúng ta đều biết, thiết kế của xe tăng T-14 là "độc nhất vô nhị", khoang của kíp chiến đấu tách biệt hoàn toàn với tháp pháo và hệ thống vũ khí trên xe được điều khiển hoàn toàn tự động. Thiết kế này cơ bản giúp bảo vệ tối đa cho kíp xe nhưng nó lại phát sinh hoài nghi về khả năng hoạt động của máy móc khi không có bàn tay con người.
Việc quá hiện đại sẽ trở thành rào cản lớn đối với xe tăng T-14 trên chiến trường Syria. Ảnh: Sputnik.
Nhìn chung, nếu tháp pháo tự động của T-14 có thể hoạt động tốt trong môi trường đầy cát và bụi như ở Syria thì nó đã nắm được 90% chiến thắng, bởi đây gần như là điểm yếu duy nhất của chiếc xe tăng này.
Nếu T-14 có thể bình an vô sự trở về từ Syria thì đây sẽ là chiến thắng quan trọng giúp dòng xe tăng này không chỉ xóa tan mọi hoài nghi về năng lực chiến đấu mà còn giúp nó giành lại "ngôi vua" trong Quân đội Nga, danh hiệu mà nó vừa để mất vào tay xe tăng T-90M Proryv-3 (biến thể nâng cấp của dòng xe tăng T-90).
Đồng thời, "cái tiếng" đã thử lửa ở chiến trường khốc liệt Syria cũng sẽ tạo ấn tượng tốt với các khách hàng tiềm năng.
Điều này có thể thấy rõ qua các mẫu vũ khí Nga từng trải qua chiến trận ở Syria, hầu hết đều trở thành những món hàng "hot" trên thị trường vũ khí thế giới như hệ thống phòng không S-400, Pantsir-S1, xe tăng T-90 và một số loại vũ khí khác.
Thành công của T-14 Armata ở Syria cũng sẽ giúp danh tiếng của vũ khí Nga tăng lên gấp bội, giá trị hơn vạn lần các chiến dịch truyền thông tốn kém.
Đưa T-14 tới Syria thử nghiệm đối với Nga mà nói như mũi tên trúng 2 đích, vừa quảng bá được vũ khí, lại có thể hoàn thiện khí tài, đồng thời mở ra cơ hội cho các hợp đồng xuất khẩu trong tương lai.
Xe tăng T-14 Armata trong quá trình thử nghiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét